Tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký sở hữu thì khi cầm cố phải có giấy sở hữu và cơ sở kinh doanh phải giữ lại bản chính của giấy đó. Trường hợp tài sản là của người khác thì người đi cầm cố phải là người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền.
Nghị định 96/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã có quy định trách nhiệm chung áp dụng đối với các ngành, nghề, ngoài ra, với dịch vụ cầm đồ, cơ sở kinh doanh này còn có trách nhiệm:
1. Kiểm tra giấy tờ tùy thân của người mang tài sản đến cầm cố, gồm: Giấy chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc giấy tờ cá nhân khác có dán ảnh do cơ quan quản lý nhà nước cấp, còn giá trị sử dụng, đồng thời photocopy lưu lại tại cơ sở kinh doanh.
2. Lập hợp đồng cầm cố tài sản theo quy định của pháp luật.
3. Đối với những tài sản cầm cố theo quy định của pháp luật phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu thì chỉ được cầm cố khi các tài sản đó có đầy đủ giấy sở hữu và cơ sở kinh doanh phải giữ lại bản chính của các loại giấy đó trong thời gian cầm cố tài sản.
4. Đối với những tài sản cầm cố thuộc sở hữu của người thứ ba phải có văn bản ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu.
5. Không được nhận cầm cố đối với tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có.
6. Tỷ lệ lãi suất cho vay tiền khi nhận cầm cố tài sản không vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự.
7. Bố trí kho bảo quản tài sản cầm cố và đảm bảo an toàn đối với tài sản của người mang tài sản đến cầm cố.